Tăng tốc chuyển đổi xanh bằng các giải pháp số
Chuyển đổi xanh hay rộng hơn là sự chuyển đổi hướng tới tăng trưởng bền vững trên nguyên lý ESG đang là xu hướng được các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm thực hiện. Từ góc độ của các doanh nghiệp, ESG và công nghệ kỹ thuật số có thể được coi là hai mặt có liên quan mật thiết trong chuyển đổi xanh.
Doanh nghiệp xanh năm 2024 – Doanh nghiệp xuất sắc đón đầu xu hướng
Biến đổi khí hậu và các loại hình thời tiết cực đoan đang, gây biến đổi nghiêm trọng với hệ sinh thái toàn cầu. Trong bối cảnh này, việc chuyển đổi xanh là giải pháp căn cơ dài hạn để đồng thời giải quyết các mối nguy hại tới môi trường trong khi vẫn đảm bảo phát triển kinh tế. Trong đó, áp dụng các công nghệ số là hướng đi phù hợp để quản lý tài nguyên, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giám sát các tác động của quá trình sản xuất kinh doanh tới môi trường.
Ước tính, ngành CNTT sẽ đóng góp 20% vào tất cả các hoạt động hướng tới chuyển đổi xanh, đồng thời công nghệ số sẽ đẩy nhanh thêm 22% tiến độ hướng tới các mục tiêu Phát triển bền vững. Từ góc độ của các doanh nghiệp, ESG và công nghệ kỹ thuật số có thể được coi là hai mặt có liên quan mật thiết trong chuyển đổi xanh. 54% doanh nghiệp cho rằng các công nghệ mới đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ phát triển bền vững.
Không chỉ đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi xanh còn là con đường để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Các giải pháp sau đây có thể là bài học tham khảo phù hợp cho doanh nghiệp đang quan tâm và thực hiện quá trình chuyển đổi xanh.
Điều chuyển và tối ưu hiệu suất sử dụng năng lượng
Một trong những cách chính để chuyển đổi xanh chính là sử dụng nguồn năng lượng mới – năng lượng tái tạo – thay thế cho các năng lượng truyền thống – năng lượng hóa thạch. Để đạt được điều này, các công nghệ số có thể được ứng dụng giúp tối ưu hóa quy trình tạo ra nguồn năng lượng tái tạo và kiểm soát điều khiển hệ thống năng lượng, điện được sử dụng. Các đô thị thông minh cũng góp phần giảm lượng năng lượng tiêu thụ thông qua việc giám sát, điều chỉnh, tự động hóa tối đa các thiết bị sử dụng năng lượng
Quản lý sử dụng tài nguyên và rác thải
Việc sử dụng các tài nguyên một cách thiếu kiểm soát hoặc không có biện pháp xử lý rác thải hợp lý cũng là một bài toán khiến doanh nghiệp cần ưu tiên giải quyết. Khi doanh nghiệp hướng đến việc chuyển đổi xanh, các vấn đề này cần được giải quyết một cách hiệu quả nhất. Các giải pháp số có thể được đưa vào ứng dụng giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bài toán đau đầu này. Tiêu biểu có thể kể đến các hệ thống quản lý nước thông minh giúp giám sát giảm thiểu lãng phí nước và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn tài nguyên nước. Công nghệ cảm biến có thể được sử dụng để giám sát lượng rác thải và thông báo tới nhà quản lý về việc thu gom rác giúp giảm ô nhiễm và tránh lãng phí tài nguyên (khi tiến hành thu gom rác quá nhiều mà không cần thiết).
Tích hợp hệ thống quản lý năng lượng và lưới điện thông minh
Quản lý dữ liệu tiêu hao năng lượng, tài nguyên có thể tạo ra tác động lớn trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Tích hợp các hệ thống quản lý thông minh giúp thu thập và phân tích dữ liệu tự động là cơ sở cho việc tối ưu hóa sử dụng năng lượng, tài nguyên và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong ngành công nghiệp năng lượng, các hệ thống quản lý thông minh giúp điều phối hoạt động của lưới điện thông minh, tối ưu hóa nguồn phát và phân phối năng lượng góp phần giảm thiểu các rủi ro an ninh năng lượng cũng như khí thải ra môi trường.
Khuyến khích hợp tác và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị
Hợp tác và chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ sẽ hỗ trợ nâng cao tối đa tiềm năng của các giải pháp kỹ thuật số. Việc chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các bên có thể tạo ra những thông tin quý giá và giúp cải thiện, tối ưu việc ra quyết định. Phát triển hệ sinh thái liên ngành thông qua chia sẻ dữ liệu hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường đổi mới sáng tạo và hợp tác trong giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và các ảnh hưởng môi trường khác
Tạo mô hình dữ liệu năng lượng tiêu chuẩn
Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh, các chỉ số hiệu suất năng lượng khi được mô hình hóa có thể giúp đo lường và cải thiện đáng kể. Ví dụ, thông qua giám sát đánh giá năng lượng, một công ty sản xuất ô tô đã phát hiện ra 40% năng lượng tiêu hao kể cả khi máy không sản xuất gì. Khi có cái nhìn sâu sắc về dữ liệu năng lượng, doanh nghiệp có thể ngắt năng lượng của các thiết bị khi không sử dụng, giảm chi phí và lượng khí thải nhà kính cho môi trường.
Bên cạnh các giải pháp, một số công nghệ cũng được nhắc tên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi xanh:
Công nghệ Internet of Things (IoT)
Doanh nghiệp ứng dụng các hệ thống quản lý năng lượng thông minh, giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và giảm khí thải carbon ra môi trường thông qua sự hỗ trợ của công nghệ IoT. Với IoT, các thiết bị được kết nối với nhau thông qua internet, tự động gửi và nhận dữ liệu cho hệ thống trung tâm cũng như tới các thiết bị có liên quan.
Các dữ liệu từ IoT có thể cho phép các nhà điều hành có được cái nhìn tổng thể về hiệu suất các hệ thống, hiển thị dữ liệu về hiệu suất máy móc và mức tiêu thụ năng lượng. Điều này giúp các công ty có thể theo dõi và báo cáo về các chỉ số ESG một cách nhanh chóng. Một số nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp áp dụng IoT có thể giảm 30% thời gian dừng máy bất thường; 16-20% thời gian sản xuất và 13,2% mức tiêu thụ năng lượng.
Một ví dụ thực tế là nhà máy thông minh của Schneider Electric tại Lexington, Hoa Kỳ đã kết nối hệ thống IoT trong đồng hồ đo điện nhằm phân tích dự báo để tối ưu hóa năng lượng. Kết quả là nhà máy giảm được 26% năng lượng tiệu thụ (GWh), giảm 30% lượng khí CO2 ròng và giảm 20% lượng nước sử dụng. Đây là nhà máy được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cấp chứng nhận Hiệu suất Năng lượng Cao cấp 50001TM.
Trí tuệ nhân tạo – AI
Nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, nhiều doanh nghiệp đã tìm ra các giải pháp hiệu quả trong việc quản lý tài nguyên và tiết kiệm năng lượng . AI có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau để tìm ra các giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu lượng chất thải và tăng cường hiệu quả năng suất. Ngoài ra, công nghệ này cũng có thể được sử dụng để dự đoán các biến đổi của môi trường và đưa ra những giải pháp phòng ngừa hiệu quả
Các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép và xi măng đang là nguồn phát thải CO2 lớn ra môi trường. Thống kê cho thấy ngành thép có thể chiếm tới 1/4 tổng lượng khí thải nhà kính trong toàn ngành sản xuất. Chính vì vậy, công ty Fero Labs đã làm việc cùng 5 nhà máy thép của Mỹ và sử dụng công nghệ AI để giảm tới 1/3 lượng nguyên liệu được sử dụng làm hợp kim. Phần mềm dựa trên AI này phân tích dữ liệu từ lịch sử để giảm tối thiểu vật liệu bổ sung trong việc luyện thép và hợp kim. Nhờ ứng dụng công nghệ này, Fero Labs ước tính giảm khoảng 450.000 tấn CO2 khí thải mỗi năm bằng cách giảm việc khai thác, nấu chảy và vận chuyển các nguyên vật liệu. Điều này tương đương với giảm khoảng 1/4 tổng lượng khí thải CO2 hàng năm của thành phố New York.
Công nghệ chuỗi khỗi – Blockchain
Công nghệ blockchain có thể được nghiên cứu ứng dụng như một công cụ để giải quyết bài toán giám sát ô nhiễm và theo dõi tính bền vững của sản phẩm. Một số chuyên gia dự đoán rằng, blockchain có thể là chìa khóa cho những đổi mới bền vững, giúp hạn chế tối đa biến đổi khí hậu. Ví dụ như công nghệ blockchain có thể được sử dụng để xác minh và theo dõi nguồn gốc của các sản phẩm, từ các sản phẩm nông nghiệp cho tới sản xuất năng lượng tái tạo. Điều này giúp đảm bảo rằng các sản phẩm có nhãn “xanh” được sản xuất và tiêu thụ một cách thực sự bền vững.
Khai thác và phân tích dữ liệu
Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về sự tác động của con người đến môi trường, từ đó tạo ra các giải pháp bền vững. Công nghệ khai thác và phân tích dữ liệu đã chứng minh sự hữu ích của mình trong việc đánh giá tình trạng môi trường và quản lý tài nguyên. Ngoài ra, các hệ thống phân tích dữ liệu còn có thể đưa ra các gợi ý cải tiến hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, giúp thúc đẩy chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, dự đoán và cập nhật mức tiêu thụ năng lượng theo thời gian thực giúp cải thiện hiệu quả quản lý năng lượng tòa nhà, tiết kiệm năng lượng ở mức tối đa.
Chuyển đổi xanh không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hướng đi tất yếu, bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nếu muốn tham gia vào thị trường toàn cầu. Để đạt được các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt, doanh nghiệp phải tích hợp một cách có hệ thống các chiến lược xanh, chiến lược kinh doanh và chuyển đổi số. Cùng với các công cụ, giải pháp từ Chuyển đổi số, văn hóa doanh nghiệp cũng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy chương trình phát triển bền vững. Khi tính bền vững được đưa vào các hệ thống và quy trình làm việc hàng ngày, doanh nghiệp có thể đạt được các mục tiêu chuyển đổi xanh một cách hiệu quả.
Theo FPT IS