Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA chia sẻ tại chương trình

Cafe Doanh nhân HUBA lần thứ 73: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn hóa, đóng gói mô hình

27/11/2023

Ngày 25/11, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân Huba lần thứ 73 với chủ đề: “Gia tăng doanh số bằng nhượng quyền – Cơ hội cho doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp Việt nhượng quyền tại thị trường thế giới còn khiêm tốn

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch HUBA cho biết, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do việc tiêu thụ hàng hóa, nhu cầu thị trường thế giới và trong nước giảm sút. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thêm cơ hội tiêu thụ hàng hóa và gia tăng doanh số, giải quyết khó khăn trước mắt, ngoài kết nối với các tham tán thương mại, hiệp hội thì có một cách giúp các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, đó là nhượng quyền.

Vừa rồi CLB Nhượng quyền thương hiệu Việt Nam đã tham gia thành thành viên HUBA, hy vọng thời gian tới, CLB sẽ phối hợp với các hiệp hội thành phố để thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng doanh số.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA chia sẻ tại chương trình
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch HUBA chia sẻ tại chương trình

Ông Hòa cũng lưu ý các doanh nghiệp trong vấn đề nhượng quyền thương hiệu. Đó là, trước đây nhiều người cho rằng nhượng quyền là chủ yếu tìm các thương hiệu thế giới nổi tiếng để xin nhượng quyền. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt đã mạnh, có vị thế, thì cần tích cực đẩy mạnh nhượng quyền để đi xa hơn, có doanh số tốt hơn.

Điều quan trọng khi nhượng quyền là doanh nghiệp cần làm sao để không mất đi bản quyền, nhưng vẫn phải để cho bên được nhượng quyền cảm thấy thoải mái. Ngoài ra, trong quá trình nhượng quyền, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tìm đến sự hỗ trợ của các đối tác, các chuyên gia, hiệp hội, câu lạc bộ để có được những tư vấn về đầu tư, pháp lý đúng đắn.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Đồng sáng lập của mô hình quỹ đầu tư nhượng quyền Go Global Franchise Fund (GGFF) cho biết, nhượng quyền hiện đã phát triển mạnh tại các nước phát triển, đóng góp lớn vào nền kinh tế tại các quốc gia đó. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia còn khiêm tốn, nhất là việc mở rộng mô hình này ra nước ngoài.

Thời gian vừa qua, có 3 doanh nghiệp là Phúc Tea, Care With Love và Phở’S vừa chính thức ký kết hợp đồng nhượng quyền tại thị trường Philippines.

Trong đó, Care With Love và Phúc Tea ký hợp đồng nhượng quyền độc quyền (Master Franchise); Phở’S có hợp đồng cụm chi nhánh, bắt đầu với 3 điểm nhưng sẽ nâng cấp thành hợp đồng cho toàn thị trường sau khi vận hành thành công các chi nhánh đầu tiên này.

Phúc Tea là mô hình nhượng quyền trà sữa với nguyên vật liệu trà thuần Việt. Phúc Tea đã kinh doanh tại thị trường Việt Nam 6 năm, hiện có 140 chi nhánh trên toàn quốc, trong đó 80% là chi nhánh nhượng quyền.

Care With Love là mô hình nhượng quyền dịch vụ chăm sóc mẹ và bé đã có mặt tại thị trường 11 năm, phục vụ hơn 150.000 bà mẹ và bé. Care With Love hiện có 13 chi nhánh, với kế hoạch khai trương 20 chi nhánh đến cuối năm 2023, trong đó 80% là nhượng quyền.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Đồng sáng lập của mô hình quỹ đầu tư nhượng quyền Go Global Franchise Fund nói về nhượng quyền thương hiệu
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Đồng sáng lập của mô hình quỹ đầu tư nhượng quyền Go Global Franchise Fund nói về nhượng quyền thương hiệu

Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp Việt trong vấn đề nhượng quyền, Công ty Go Global Holdings cũng đã lập Quỹ đầu tư nhượng quyền – Go Global Franchise Fund (GGFF) – Quỹ đầu tư dành riêng cho các startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành nhượng quyền và cấp phép tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

GGFF mở ra cơ hội đầu tư vào các thương hiệu và công ty nhượng quyền cho các nhà đầu tư theo ba hình thức, gồm đầu tư mua chứng chỉ quỹ của GGFF; đầu tư vào một quỹ nhượng quyền cố định do GGFF thành lập; đầu tư mua chứng chỉ quỹ có thể hoán đổi thành cổ phần của các công ty do Go Global Holdings đầu tư và sở hữu.

Doanh nghiệp nhiều lĩnh vực đều có thể tham gia nhượng quyền

Bà Nguyễn Phi Vân – chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về nhượng quyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Go Global Hoildings cho biết, nhượng quyền không chỉ đóng góp gia tăng doanh số cho doanh nghiệp mà còn đóng góp cho sự phát triển của các quốc gia.

Tại Mỹ, nhượng quyền đóng góp 5,1% GDP quốc gia, tại Australia là 9%, tại Nam Phi là 9,7% và tại Canada là 10%. Năm 2017, ngành nhượng quyền thế giới có doanh thu 2.400 tỷ USD, năm 2023 tăng lên mức 2.900 tỉ USD và dự đoán đến năm 2027 là 4.300 tỉ USD.

Theo bà Phi Vân, mọi ngành nghề đều có thể nhượng quyền. Không chỉ các ngành dịch vụ như chăm sóc cá nhân, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, nhà ở, sửa chữa xe, thực phẩm, đồ uống mà bất kỳ ngành nghề nào có tài sản sở hữu trí tuệ, có thiết lập hệ thống kinh doanh hiệu quả (giải trí, dịch vụ tài chính, xây dựng) đều có thể nhượng quyền.

Bà Nguyễn Phi Vân đưa ra những lời khuyên cho doanh nghiệp muốn tham gia nhượng quyền
Bà Nguyễn Phi Vân đưa ra những lời khuyên cho doanh nghiệp muốn tham gia nhượng quyền

Bà Vân cũng tiết lộ, vừa qua, có một doanh nghiệp trong ngành xây dựng đã nhượng quyền thành công ở Malaysia và muốn xuất khẩu mô hình đó sang Việt Nam. Điều đó cho thấy doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vẫn có thể nhượng quyền nếu biết cách chuẩn hóa, đóng gói mô hình.

Ngoài ra, trong số 40/50 thương hiệu nhượng quyền mạnh nhất năm 2023, có nhiều tên tuổi nổi tiếng, có những thương hiệu khá lạ lẫm, ít người biết. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa được biết đến nhiều trên thương trường hoàn toàn có thể tự tin tham gia sân chơi này, miễn là biết “luật chơi”.

Theo bà Phi Vân, để nhượng quyền thành công, doanh nghiệp phải đóng gói và xây dựng được mô hình bán lẻ, cung cấp dịch vụ, phục vụ. Tiếp theo phải thử nghiệm mô hình đó. Sau đó là phải xây dựng mô hình tài chính và kinh doanh nhượng quyền, xây dựng nền tảng hỗ trợ về vận hành, marketing, chuỗi cung ứng, đào tạo, tài chính, pháp lý, nền tảng số. Khi làm được những việc này thì triển khai nhượng quyền và hoàn thiện các nền tảng hỗ trợ.

Doanh nghiệp đồng hành

Gọi ngay
Chat Facebook
Chat zalo